Hotline (+84) 1800585871   |   Tuyển dụng   |   Liên hệ

Nỗ lực kết nối tiêu thụ dừa trái

2021-08-13 10:39:20

BDK - Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã đã rất nỗ lực đồng hành cùng với tỉnh đảm bảo mục tiêu kép, vừa duy trì phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phòng chống dịch. Đây là quan điểm thống nhất của tỉnh qua 2 đợt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Sơ chế dừa uống nước tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong Bến Tre, xã Hữu Định, huyện Châu Thành. Ảnh: Cẩm Trúc

Sơ chế dừa uống nước tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong Bến Tre, xã Hữu Định, huyện Châu Thành.
Ảnh: Cẩm Trúc

Thực hiện nghiêm “3 tại chỗ”

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre - Betrimex (Cụm công nghiệp Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm) là một trong các DN lớn ngành chế biến dừa có khả năng tiêu thụ sản lượng dừa công nghiệp khá lớn và ổn định của tỉnh.

Trong điều kiện bình thường, công ty thu mua nguyên liệu bình quân trên 15,7 triệu trái/tháng, tương đương 3,6 triệu lít nước dừa thô/tháng và 800 ngàn kg cơm dừa tươi/tháng. Tuy nhiên, trong điều kiện giãn cách xã hội, công ty chỉ có thể thu mua được 20 - 30% so với công suất hoạt động của nhà máy, trong khi chi phí thực hiện “3 tại chỗ” tăng cao.

Theo đại diện Công ty Betrimex, trong bối cảnh này, DN đã thực hiện bố trí đầy đủ theo phương án “3 tại chỗ”, tổ chức xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm định kỳ để phòng chống dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất nhằm đảm bảo tiêu thụ được nguyên liệu cho người nông dân, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và các cơ sở gia công sơ chế. Tuy nhiên, đến nay do tình hình dịch bệnh kéo dài, địa phương phải giãn cách xã hội, cơ sở chế biến, gia công sơ chế và vận tải ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Được biết, Công ty Betrimex có kho lạnh để trữ đông nước dừa và cơm dừa nên đã duy trì được hoạt động trong gần 4 tuần qua, với công suất rất thấp và chi phí phát sinh rất cao nhưng hiện nay nguyên liệu trữ đông đã cạn.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn để DN có thể tiếp tục hoạt động, Công ty Betrimex kiến nghị các sở, ngành, địa phương có giải pháp kịp thời quan tâm hỗ trợ DN, cũng như các hộ kinh doanh đăng ký “3 tại chỗ” trong chuỗi dừa. Cụ thể là tạo điều kiện cho DN, hộ kinh doanh trong chuỗi liên kết nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng cơm dừa, nước dừa trong chuỗi sơ chế - sản xuất nguyên liệu dừa dựa trên quy mô mặt bằng hiện hữu nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch theo quy định. Nhất là tạo điều kiện hoạt động đối với 9 vùng nguyên liệu đạt chứng nhận Organic tại tỉnh nhằm phục vụ công tác thu mua và tiêu thụ dừa tồn đọng của nông dân.

Đối với việc tiêu thụ phụ phẩm theo chuỗi cung ứng, hiện DN chỉ có khoảng 30% trên tổng nhu cầu cần thiết để giải phóng vỏ dừa tại bãi lột sơ chế, đề xuất bổ sung thêm một số đơn vị vận chuyển.

Tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh kịp thời thu mua dừa công nghiệp, cứu nguy tình trạng “đứt gãy” chuỗi cung ứng dừa cho các nhà máy chế biến thì nhu cầu tiêu thụ đối với dừa uống nước cũng rất lớn. Dừa uống nước là loại không thể neo lâu hơn 2 tuần vì cơm dừa sẽ cứng, không thể tiêu thụ được. Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Đinh Thị Thanh Nhanh cho biết: Huyện đã xúc tiến việc kết nối tiêu thụ dừa uống nước bằng cách giao ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các ngành, các xã thực hiện kế hoạch tiêu thụ nông sản. Theo đó, huyện đã thống kê sản lượng dừa xiêm, với hơn 78 ngàn trái cần tiêu thụ trong tháng 8-2021, thống kê có cung cấp thông tin thời gian thu hoạch, giá bán dự kiến, các đầu mối gồm tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc để tiện việc kết nối tiêu thụ giúp người dân.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây MeKong Bến Tre, huyện Châu Thành, là DN vùng nguyên liệu dừa uống nước khá lớn, chủ yếu tập trung ở các huyện Giồng Trôm và Châu Thành. Trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, công ty vẫn có gắng đảm bảo cả hai mục tiêu là vừa duy trì sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh. Giám đốc công ty Bùi Dương Thuật cho hay, để duy trì hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, công ty giảm 40% số lượng lao động tại nhà máy. Đặc biệt, đội ngũ thu mua nguyên liệu, vận chuyển dừa vẫn đảm bảo số lượng để thu mua tại các vùng nguyên liệu, nhất là đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác có liên kết tiêu thụ với DN. Cũng theo ông Thuật, trước giãn cách xã hội, công ty thu mua dừa giá từ 110 - 120 ngàn đồng/chục, trong thời gian giãn cách, giá thu mua 90 ngàn đồng/chục.

Được biết, diện tích vùng liên kết của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây MeKong Bến Tre hiện khoảng 200ha. Để hỗ trợ tiêu thụ dừa uống nước vào đợt thu hoạch, công ty cho biết sẽ bố trí nguồn lực để tiếp nhận thu mua thêm dừa ở các vườn ngoài vùng liên kết nhưng cũng đang vào vụ thu hoạch, cần được thu mua đúng thời gian.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, để tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ dừa, sở đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sơ chế dừa, đội ngũ thu hái dừa có thể tiếp tục hoạt động trở lại và thực hiện theo quy định phòng chống dịch bệnh.

Theo Kế hoạch số 4654 của UBND tỉnh ký ban hành ngày 6-8-2021 “về tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay”, UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể nhiệm vụ, giải pháp đối với các sở, ngành, địa phương. Trong đó, nêu rõ cần tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch, xây dựng phương án “3 tại chỗ” trong tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản; bố trí các các tổ, đội chống dịch ở các tuyến đường, cửa ngõ ra vào vùng nông sản tập trung của địa phương để hỗ trợ phương tiện, người thu mua ra vào thu hoạch thuận tiện, đồng thời để kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian thu hoạch và tiêu thụ.

Quản lý, bố trí các đội, nhóm thu hoạch với quy mô, số lượng phù hợp đảm bảo tiến độ thu hoạch mùa vụ, phù hợp với phương châm “3 tại chỗ”, đặc biệt các tiểu vùng đến giai đoạn thu hoạch không thể chờ thêm thời gian. Trong trường hợp thiếu hụt nhân công, trang thiết bị, vật tư thì phải có ngay phương án tăng cường hỗ trợ lực lượng cho địa phương.

C. Trúc - T. Thảo